Cứ lăm le so sánh lương và những điều bạn không tưởng được

Thực tế, đi làm thì ai chẳng muốn tăng lương. Thế nhưng, việc đưa ra mức lương của đồng nghiệp để “đòi công bằng” thì chẳng thể nào được cấp trên phê duyệt. Không chỉ thế,

Bất công đến từ…

Một trong những chủ đề rất được người ta quan tâm khi đi làm là lương bổng. Điều đó hoàn toàn hợp lí, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi người. Nói cho cùng, người ta đi làm cũng chỉ mong được đền đáp xứng đáng. Dù là người lao động chân tay, buôn bán, hay giới văn phòng đều như vậy. Thế nhưng bên cạnh đó, không ít người không chỉ quan tâm đến chuyện lương lậu của mình mà còn cả với đồng nghiệp, cấp trên. Điều đó gây không ít rắc rối cho chính bản thân họ và người trong cuộc.

Quốc Nam và Tuấn Nghĩa (nhân viên kinh doanh của công công ty M) vốn là bạn đồng nghiệp thân thiết. Thế nhưng đã gần tháng nay, cả hai không còn mấy thiện cảm với nhau. Chuyện cũng bắt đầu từ lúc Quốc Nam phát hiện ra Nghĩa là nhân viên mới, làm ít việc hơn nhưng lương lại cao hơn mình. Nam càng tỏ ra khó chịu khi biết được Nghĩa là… họ hàng người nhà sếp lớn. Cảm thấy ghen tị, Nam quyết định kiến nghị cấp trên, mong muốn mình cũng phải ngang ngửa mức lương với Nghĩa.

Ban đầu Nghĩa không biết rằng việc mình tiết lộ chuyện lương với đồng nghiệp lại gây ra đủ thứ chuyện. Anh chàng đơn giản cho rằng bạn bè chia sẻ cho nhau biết cũng nào có sao. Thế nhưng với Nam thì nó là một cái gai trong mắt. Bởi anh nghĩ rằng trách nhiệm như nhau, làm việc như nhau thì tại sao mình thua kém. Không chỉ thế, Nam còn cố bám víu lấy lương của Nghĩa như một chuẩn mực để kiến nghị người này, người khác đòi tăng lương. Muốn thắng thế, Nam còn đi kể với một số “chiến hữu” để có người đồng tình và kiến nghị chung với mình.

Chuyện cùng đi làm mà mức lương mỗi người mỗi khác vẫn thường gặp. Nhiều trường hợp, thậm chí công việc vất vả, mệt mỏi hơn, nhưng lương vẫn thấp hơn nhiều lần so với đồng nghiệp. Không chỉ riêng giới văn phòng, mà nhiều cửa hàng, cơ sở, công ty đều như thế. Thường người ta trả lương theo khả năng, thực lực, bằng cấp, hoặc đơn giản là mức đầu vào đàm phán cao hơn. Lại thêm chuyện có “tay trong” thì lương bổng nhỉnh hơn là dễ hiểu.

So đo cả với sếp…

Không chỉ với đồng nghiệp, nhiều người còn tò mò và mình với cả cấp quản lí. Nguyên nhân là do đôi khi quản lí thường không trực tiếp làm nhưng lương nhận được thì luôn cao. Lại thêm không ít sếp cứ thích dồn hết việc cho nhân viên, để rồi đồng lương của họ thì mãi cũng chỉ bằng một phần ba lương mình. Thế nhưng so đo không đúng chỗ chỉ vác thêm rắc rối…

Mức lương gần bảy triệu đồng một tháng thực sự chưa khiến Lan Thanh (phó quản lí nhà hàng X) hài lòng. Nguyên nhân bởi cô biết được mức lương của sếp trên gấp đôi cô. Công việc thì tất nhiên là phó nên Thanh phải làm hết. Quản lí hầu như chỉ ghé qua vài tiếng trong ngày để xem xét rồi lại đi. Cảm thấy bất mãn chuyện lương lậu, Thanh viết đơn gửi chủ nhà hàng mình và nhân tiện “mách tội” cấp trên. Không chỉ thế, cô còn “biểu tình” bằng cách không làm việc để… sếp sợ!?

Thế nhưng thật chẳng may cho cô, mặc dù không thường xuyên có mặt, nhưng quản lí cô luôn nắm bắt và xử lí công việc tốt. Chuyện cô phân bua thưa gửi lương bổng, cuối cùng không chỉ không được gì, mà từ đó về sau còn bị cấp trên đánh giá. Thậm chí, giờ đây, Thanh rất sợ làm sai gì vì cấp trên đã không ưng, thì giữ việc đã khó, nói gì giữ được mức lương.

Nhiều người rất thích “soi” lương kẻ khác. Sếp cũng không phải đối tượng ngoại trừ. Thật sai lầm nếu như bạn không biết giữ bí mật và đem nó ra rêu rao, bởi chẳng ai thích quá nhiều người biết thu nhập của mình. Việc làm của bạn sẽ khiến người đó vô cùng khó chịu. Đừng quên rằng, mỗi người có trách nhiệm và vị trí khác nhau, khó mà so đo được.

Hãy chỉ đưa ra những đề nghị hợp lí…

Thực tế, đi làm thì ai chẳng muốn tăng lương. Thế nhưng, việc đưa ra mức lương của đồng nghiệp để “đòi công bằng” thì chẳng thể nào được cấp trên phê duyệt. Không chỉ thế, nó sẽ làm cho công việc bạn khó khăn hơn và nảy sinh bất đồng. Chẳng ai muốn mức lương mình thấp đi, hay chẳng ai muốn người khác dựa vào lương mình để kiến nghị với sếp. Cách duy nhất để bạn xin tăng lương là đưa ra cho sếp những đề nghị, lí do hợp lí. Chớ dại tò mò đi hỏi lương lung tung, rồi lấy đó là lí do xin tăng thu nhập nhé!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *